Năm 2020 đường sắt Việt Nam sẽ có tốc độ bình quân 80 -90 km/h

Đây chính là mục tiêu sẽ đạt được trong bản kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến 2020 mà Bộ GTVT đã duyệt cho khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung trong thời gian qua. Ngoài ra, trong bản kế hoạch này Bộ GTVT cũng sẽ cho nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt mới khổ 1.435 mm và huy động các nguồn lực xây dựng đường sắt quốc gia kết nối đến cảng biển, khu công nghiệp, khu mỏ và trung tâm du lịch lớn.

 

Để thực hiện được điều đó, hệ thống đường sắt sẽ được phân ra làm 2 giai đoạn đầu tư phát triển.

 

Giai đoạn 1 được thực hiện từ nay đến hết 2015. Bộ GTVT sẽ tiếp tục đầu tư và hoàn thành dự án thay tà vẹt K1, K2, tà vẹt sắt bằng tà vẹt dự ứng lực, kéo dài đường ga, đặt thêm đường số 3 đối với ga chỉ có 2 đường trên đoạn Vinh - Nha Trang.

 

Cải tạo, nâng cấp tải trọng các cầu yếu còn lại trên tuyến Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu để đầu tư cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, đèo Hải Vân và các dự án nhằm nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt hiện có.

 

Ngoài ra, việc đầu tư đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ được tiếp tục thực hiện sâu, rộng hơn nữa.

 

Giai đoạn 2 dự án phát triển đường sắt nước ta sẽ được tiếp tục từ 2016 đến hết 2020. Theo đó, sau khi hoàn thiện các công đoạn duy tu cải tạo cơ cở hạ tầng đường sắt hiện có và các công trình đảm bảo ATGT đường sắt trong giai đoạn 1, hết 2015, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đầu tư hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có để đạt tốc độ bình quân 80 - 90km/h với tàu chở khách và 50 - 60km/h với tàu chở hàng. Nghiên cứu các phương án khả thi để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp đường sắt tốc độ cao.

 

Tiếp tục huy động vốn đầu tư xây dựng đường sắt kết nối đến cảng biển, khu công nghiệp, khu mỏ và trung tâm du lịch lớn.

 

Được biết, trong bản kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến 2015 và định hướng đến 2020 mà Bộ GTVT đã duyệt cho khu vực vùng Tây Nguyên, hệ thống đường sắt kết nối các tỉnh Tây Nguyên với cảng biển cũng đã được đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng. Việc đầu tư, xây dựng tuyến đường sắt này sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế, xã hội vùng, mở rộng thương mại...

 

Ngoài các khu vực trên, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến 2015 và định hướng đến 2020 của nhiều khu vực khác trên cả nước mà Bộ GTVT đã phê duyệt thì hệ thống giao thông đường sắt vẫn luôn được chú trọng đầu tư và phát triển. Không bao lâu nữa, hệ thống đường sắt nước ta sẽ bắt kịp với các nước trong khu vực.

< Trở lại